Công dụng cây chùm ngây

Cây chùm ngây còn được gọi là “cây phép màu”, “cây thần diệu”, hay “cây độ sinh”, có tên tiếng Anh là “Miracle tree”, “moringa tree”. Thật vậy, đây là một loài cây có rất nhiều công dụng hay nói cách khác là cây vạn năng (multipurpose tree), vì ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là các vùng đang phát triển ở châu Á và châu Phi, nó được xem tài nguyên vô giá, chống nạn thiếu dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ngoài khả năng cung cấp chất dinh dưỡng, các bộ phận của cây chùm ngây còn có dược tính phổ rộng, được dùng để điều trị rất nhiều bệnh khác nhau. Nền y học cổ truyền của Ấn Độ cũng đã xác định được 300 bệnh khác nhau được điều trị bằng lá của loại cây này.

1. Về dinh dưỡng học: hầu hết các bộ phận sống của cây chùm ngây có chứa đủ các thành phần dinh dưỡng thiết yếu giúp ích cho sự sống của con người. Cụ thể:

1.1. Lá chùm ngây được dùng làm rau ăn (lá, chồi, cành non – ăn sống, nấu cách, xào, luộc, trộn gỏi, trộn dầu giấm, làm sinh tố, nước ép…), làm bột cà-ri, ủ chua làm gia vị, làm trà giải khát…

Lá chùm ngây chứa nhiều vitamin và muối khoáng có ích, với hàm lượng rất cao: vitamin C cao gấp 7 lần trong cam, provitamin A cao gấp 4 lần trong cà-rốt, calcium cao gấp 4 lần trong sữa, potassium cao gấp 3 lần trong chuối, sắt cao gấp 3 lần trong rau diếp, và ngay cả protein cũng cao gấp 2 lần trong sữa. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều vitamin B, các acid amin có lưu huỳnh như methionin, cystein và nhiều acid amin cần thiết khác. Do vậy, lá chùm ngây được xem là một trong những nguồn dinh dưỡng thực vật có giá trị cao. Trong 100 g bột lá sấy khô có: calori 205, protein (g) 27,1, chất béo (g) 2,3, carbohydrate (g) 38,2, chất xơ (g) 19,2, Ca (mg) 2,003, Mg (mg) 368, P (mg) 204, K (mg) 1,324, Cu (mg) 0,57, Fe (mg) 28,2, S (mg) 870, acid oxalic (mg) 1,6%, vitamin A-β carotene (mg) 16,3, vitamin B1 – thiamin (mg) 2,64, vitamin B2 – riboflavin (mg) 20,5, vitamin B3 – nicotinic acid (mg) 8,2, vitamin C – ascorbic acid (mg) 17,3, vitamin E – tocopherol acetate (mg) 113, arginin (g/16gN) 1,33%, histidin (g/16gN) 0,61%, lysin (g/16gN) 1,32%, tryptophan (g/16gN) 0,43%, phenylanaline (g/16gN) 1,39%, methionine (g/16gN) 0,35%, threonine (g/16gN) 1,19%, leucine (g/16gN) 1,95%, isoleucine (g/16gN) 0,83%, valine (g/16gN) 1,06%.

1.2. Hoa, quả non, rễ non chùm ngây: hoa có thể ăn trực tiếp hoặc làm trà (nhiều nước Tây phương sản xuất trà hoa chùm ngây), cung cấp tốt nguồn muối khoáng calcium và potassium. Nó cũng là nguồn cung cấp nguyên liệu rất tốt cho người nuôi ong. Quả non có thể xào, luộc, nấu canh để ăn với hương vị như măng tây. Rễ non chùm ngây có thể bào mỏng ăn sống (hoặc trộn dấm), có mùi vị tương tự như củ cải trắng.

1.3. Hạt chùm ngây chứa nhiều dầu (chiếm đến 30 – 40% trọng lượng hạt). Dầu hạt chùm ngây chứa 65,7% acid oleic, 9,3% acid palmitic, 7,4% acid stearic và 8,6% acid behenic. Ở Malaysia, hạt chùm ngây được dùng để ăn như đậu phụng. Dầu chùm ngây còn được dùng cho công nghệ mỹ phẩm chăm sóc da, xà phòng, dưỡng tóc.

2. Về y học: nhiều bộ phận của cây chùm ngây được dùng làm thuốc chữa nhiều bệnh khác nhau. Trong những năm gần đây, nhiều công trình nghiên cứu được công bố trong các báo “Phytotherapy Rechearch” và “Hort Science” cũng cho thấy tác dụng đa dạng của các bộ phận cây chùm ngây như: chống hạ đường huyết, giảm sưng tấy, chữa viêm loét dạ dày, làm êm dịu thần kinh trung ương… Cụ thể:

2.1. Lá chùm ngây dùng uống để điều hòa huyết áp và vò xát vào vùng thái dương để trị chứng nhức đầu. Lá chùm ngây có tính chất như một kháng sinh chống các viêm nhiễm nhỏ. Vỏ, lá và rễ được dùng tăng cường tiêu hóa. Lá còn được dùng để điều trị các vết cắt ở da, vết trầy xước, sưng tấy, nổi mẩn ngứa hay các dấu hiệu của lão hóa da. Nó cũng được dùng để điều hòa lượng đường máu trong trường hợp bị bệnh tiểu đường. Dịch chiết từ lá có thêm nước cà-rốt là một thức uống lợi tiểu. Bột làm từ lá tươi có khả năng cung cấp năng lượng khi dùng thường xuyên. Lá cũng được dùng chữa sốt, viêm phế quản, viêm nhiễm mắt và tai, viêm màng cơ, diệt giun sán và làm thuốc tẩy xổ. Sản phụ ăn lá sẽ làm tăng tiết sữa. Ở Philippines lá được chỉ định dùng chống thiếu máu, do chứa lượng sắt cao.

2.2. Hạt chùm ngây điều trị bệnh viêm dạ dày. Dầu hạt được dùng ngoài để điều trị nấm da. Trường Đại học San Carlos ở Guatemala đã tìm ra một loại kháng sinh có tác dụng như neomycin có khả năng bảo vệ da khỏi sự viêm nhiễm do Staphylococcus aureus. Loại kháng sinh này là một hỗn hợp kháng khuẩn và nấm có tên pterygospermin, danh pháp hóa học là glucosinolate 4 alpha-L-rhamnosyloxy benzyl isothiocyanate. Nhiều nơi trên thế giới dùng bột nghiền từ hạt để khử trùng nước sông (nước sông trong mùa lũ có tổng số trực trùng Escherichia coli lên tới 1.600 – 18.000/100 ml, được xử lý bằng bột hạt chùm ngây trong vài giờ đồng hồ đã giảm xuống còn 1 – 200/100 ml).

2.3. Rễ chùm ngây có vị đắng, được xem như một loại thuốc bổ cho cơ thể và phổi, điều kinh, long đàm, lợi tiểu nhẹ. Ở Nicaragua, nước sắc rễ được dùng chữa bệnh phù thủng. Dịch rễ được dùng ngoài để điều trị chứng mẩn ngứa do dị ứng. Trong rễ và hạt, cũng có chất kháng sinh pterygospermin.

2.4. Vỏ cây chùm ngây được dùng điều trị chứng thiếu vitamin C, đôi khi dùng trị tiêu chảy.

3. Về ứng dụng công nghiệp: gỗ cây chùm ngây rất nhẹ, có thể dùng làm củi, nhưng năng lượng không cao. Nó được xem là nguồn nguyên liệu tiềm năng cho kỹ nghệ giấy và còn được dùng để chế phẩm màu xanh. Vỏ cây có khả năng cung cấp ta-nanh (tannin, tanin), nhựa dầu và sợi thô.

4. Khả năng phòng hộ: Cây chùm ngây thuộc loại cây mọc nhanh và dễ tính, sống được ở những điều kiện đất đai khô cằn và trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, chịu được hạn hán. Do vậy, nhiều nơi trên thế giới, cây chùm ngây được trồng làm hàng rào xanh che chắn cho các khu sản xuất nông nghiệp, che bóng cho các cây công nghiệp dài ngày, chắn gió, chắn cát bay. Ngoài ra, cây có khả năng cải tạo đất, lá dùng làm phân xanh và làm thức ăn bổ sung cho gia súc rất tốt, cây có lá nhỏ, thân thon, tán đẹp nên được trồng làm cảnh.

Bình luận