Chùm ngây Vườn Nhà Mình trên báo Nông nghiệp Việt Nam

Không chỉ trồng chùm ngây làm rau thương phẩm, một nông dân ở xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ (Long An) đã mạnh dạn sản xuất các chế phẩm từ chùm ngây, bước đầu được thị trường ưa chuộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chùm ngây Vườn Nhà Mình trên báo Nông nghiệp Việt Nam

Chùm ngây Vườn Nhà Mình trên báo Nông nghiệp Việt Nam

THUẦN HÓA CÂY DẠI

Chùm ngây được xem là một trong những loại cây hữu dụng bậc nhất, do toàn bộ các phần trên cây chùm ngây đều có thể được dùng làm thức ăn hoặc phục vụ cho các mục đích khác nhau. Ở Việt Nam, cây chùm ngây thường mọc hoang ở Thanh Hóa, Phú Quốc, An Giang…Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu tìm hiểu về công dụng của cây chùm ngây, anh Phạm Ngọc Anh Tuấn (ấp Bình Tây xã Mỹ Bình) đã mạnh dạn đưa loài cây này vào trồng thử nghiệm. Từ 500 gốc lúc khởi nghiệp đến nay, anh Tuấn đã nhân rộng lên 2.000 gốc với quy mô 9.000m2.

Theo người dân địa phương, cây chùm ngây còn được gọi là cây ba đậu đại, đây là loài cây mọc hoang nên rất dễ trồng, ít khi bị sâu bệnh, không tốn công chăm sóc. Đối với đất bằng, bà con lên tiếp cao khoảng 70cm, sau đó đào hố cho thêm phân hữu cơ rồi xuống giống, chú ý bón phân và tưới nước khoảng một tuần một lần thì cây sẽ phát triển xanh tốt.

Theo kinh nghiệm của anh Tuấn thì trên đất pha cát cây chùm ngây phát triển tốt hơn so với đất thịt, cây cũng có thể trồng trên đất khô cằn nhưng phát triển chậm hơn. Sau 6 tháng tuổi, cây cao khoảng 2m, là thời gian bắt đầu thu hoạch. Khi tiến hành thu hoạch thì cắt ngang phần ngọn cây, cách mặt đất 70cm. Đây là việc làm vừa hãm chiều cao của cây, vừa thúc đẩy cây đâm chồi, trung bình mỗi cây có thể thu 1kg lá tươi. Khác với các loại cây cho lá khác chỉ hái được 1-3 lứa/ vụ, cây chùm ngây chỉ trồng một lần mà hái được nhiều năm. Mỗi lứa thu hoạch cách nhau 1,5 tháng, cây trồng càng lâu cho năng suất càng cao.

RỘNG ĐẦU RA

Cây chùm ngây sau khi trồng được 6 tháng thì tiến hành thu hoạch bằng cách cắt ngang thân cây, cách mặt đất khoảng 0.7m. Với 2000 gốc chùm ngây, mỗi lứa gia đình anh Tuấn  thu được trên dưới 2 tấn lá tươi dùng để bán rau thương phẩm (40.000đ/kg). Không chỉ dừng lại ở đó, để tận dụng triệt để nguồn lợi và gia tăng giá trị của cây chùm ngây, anh Tuấn còn chế biến trà và bột chùm ngây với giá bán 400.000 đ/kg, riêng phần thân được bào ra phơi khô để làm vị thuốc Đông y. Hiện anh Tuấn đã xây dựng cho mình thương hiệu các sản phẩm chùm ngây “Vườn Nhà Mình” và được thị trường đón nhận.

Anh Tuấn cho biết:”Việc tiêu thụ rau chùm ngây dưới dạng thực phẩm rất thuận tiện. Cứ tới kỳ thu hoạch là thương lái tìm về tận vườn để thu mua, một số được đóng gói gửi lên cho các cửa hàng rau sạch trên TP.HCM. Riêng các sản phẩm như trà, bột chùm ngây liên tục nhận được các đơn đặt hàng mới, 9.000m2 trồng chùm ngây của tôi là quá ít để đáp ứng nhu cầu thị trường”.

Hiện mô hình trồng chùm ngây của gia đình anh Tuấn đang được nhiều bà con nông dân trong vùng đến tham quan học hỏi, hướng đến nhân rộng SX. Anh Tuấn đang giúp bà con chuyển giao kỹ thuật, mở rộng diện tích để ổn định vùng nguyên liệu. Đối với các hộ dân tham gia liên kết trồng chùm ngây, anh sẽ đứng ra tư vấn, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp cây giống và cam kết bao tiêu trọn gói sản phẩm phẩm cho người nông dân.

“Chùm ngây là loài cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư cho một vườn 2.000 gốc chỉ tốn khoảng 60 triệu đồng. Trồng một lần mà hái được nhiều năm chính là điểm mạnh của cây chùm ngây. Chỉ cần phát triển được vùng nguyên liệu đủ lớn sẽ không ngại giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm, bới hiện tại có nhiều DN đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm trà chùm ngây với số lượng hàng tấn mỗi tháng để phục vụ thị trường phía Bắc”, anh Tuấn nhấn mạnh.

Thanh Sa – Báo Nông Nghiệp Việt Nam số tháng 5/2015

Bình luận