Là loài cây dễ trồng, dễ sống, nhưng việc hiểu và áp dụng đúng kỹ thuật trồng chùm ngây là yếu tố quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm khi thu hoạch, bất kể bạn trồng ở quy mô gia đình hay trang trại.
Dựa trên các tài liệu tham khảo và kinh nghiệm trồng, chăm sóc chùm ngây những năm qua, trang trại chùm ngây Vườn Nhà Mình thực hiện bài hướng dẫn kỹ thuật trồng chùm ngây chi tiết từ A đến Z, từ chọn đất trồng đến thu hái và bảo quản. Hướng dẫn này áp dụng cho các bạn mong muốn khởi nghiệp trang trại chùm ngây cũng như mọi người trồng chùm ngây tại nhà muốn đạt hiệu quả cao.
Mọi thắc mắc, câu hỏi các bạn có thể hỏi trực tiếp trên Fanpage Chùm ngây Vườn Nhà Mình: facebook.com/vuonnhaminh hoặc email về: info@vnmmoringa.com
Nguồn tham khảo:
– Growing and processing moringa leaves, Moringanews / Moringa Association of Ghana, Dr Armelle de Saint Sauveur et Dr Mélanie Broin
– Kinh nghiệm thực tế của Trang trại chùm ngây Vườn Nhà Mình
Để trồng chùm ngây đạt được hiệu quả và năng suất cao, bạn cần thực hiện tốt 5 bước cơ bản sau đây (bấm vào để ra bài viết tương ứng):
1. Kỹ thuật trồng chùm ngây – Lựa chọn đất
Chùm ngây là một loại cây có khả năng thích nghi cao và sống được trong các điều kiện khắc nghiệt. Tuy nhiên, để cây phát triển tốt nhất thì đất trồng cây cần đáp ứng cac điều kiện sau:
– Khí hậu: nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới
– Độ cao: 0-2000m trên mực nước biển
– Nhiệt độ: 25-35oC
– Lượng mưa: 250-2000mm/năm (Những vùng có lượng mưa dưới 800mm/năm thì cần có hệ thống tưới thường xuyên để thu hoạch lá)
– Loại đất: đất mùn, đất cát hoặc đất cát pha mùn (chùm ngây phát triển không tốt nếu được trồng trên đất thịt, đất sét hoặc đất có kết cấu chặt, kém tơi xốp)
– Độ pH: dao động trong điều kiện đất có tính axit nhẹ đến kiềm nhẹ (pH 5-9)
– Ánh sáng: 100% (nếu được trồng trong bóng râm hoặc điều kiện ánh sáng yếu, cây chùm ngây có xu hướng còi cọc, thân nhỏ, tán lá không phát triển)
Ngoài ra, cũng cần lưu ý bảo vệ cây khỏi sự phá hoại của gia súc, gia cầm, nhất là giai đoạn cây con.
2.Kỹ thuật trồng chùm ngây – Làm đất
Cây chùm ngây cần được trồng nơi đất tơi xốp, thoát nước tốt.Cấu trúc đất trồng hoặc túi bầu chùm ngây là 80% đất xốp (đất pha cát rất phù hợp) + 20% phân hữu cơ (hoặc phân bò hoai).
Đối với diện tích rộng, nếu trồng ở mật độ cao (thu hoạch lá) thì toàn bộ bề mặt của đất cần được cày xốp đến độ sâu khoảng 30cm trước khi tiến hành gieo trồng. Nếu trồng ở mật độ thưa (>1m x 1m, thu hoạch trái, hạt) thì chỉ cần đào hố tại vị trí trồng và lấp đầy hố với đất có cấu trúc như trên (80% đất xốp + 20% phân hữu cơ), kích thước mỗi hố tối thiểu sâu 30-50cm, rộng 20-40cm.
3.Kỹ thuật trồng chùm ngây – Gieo hạt hoặc giâm cành
3.1 Gieo ươm hạt giống/cành giâm
Chùm ngây có thể được trồng từ hạt giống, cây giống hoặc cành giâm. Kinh nghiệm thực tế cho thấy cây phát triển từ hạt hoặc cây con sẽ có sức sống tốt hơn nhờ bộ rễ khỏe mạnh hơn cành giâm.Sau đây là một vài kinh nghiệm trong việc lựa chọn và xử lý giống để có một vườn chùm ngây khỏe mạnh, phát triển tốt.
3.1.1. Kỹ thuật trồng chùm ngây từ hạt giống
Hạt giống tốt là hạt được thu hoạch từ những cây chùm ngây ít nhất 6 năm tuổi, phát triển mạnh. Nếu không có điều kiện kiểm tra nguồn gốc của hạt giống, bạn có thể lựa chọn thông qua một số đặc điểm bên ngoài như: hạt chắc, có nhân cứng (bóp mạnh bằng tay không bị bể, nát), màu đen hoặc nâu đậm, màng lụa quanh hạt vẫn còn mới (màu trắng hơi ánh xanh lá, tương đối đều, không quá rách nát). Tuyệt đối không chọn hạt màu trắng (thu hoạch từ trái chưa đủ chín), mềm/bể (hạt lép).
Hạt giống chùm ngây Vườn Nhà Mình
Thời vụ thích hợp gieo hạt chùm ngây là từ tháng 5 – 8, khi mùa mưa bắt đầu rộ.Sau khi chọn được hạt giống tốt, ngâm hạt với nước ấm 600C (2 sôi, 3 lạnh) trong 24 giờ rồi đem gieo. Nếu có điều kiện, bạn nên thêm vào nước ngâm hạt vài giọt KMnO4 (thuốc tím) để giúp giảm nấm bệnh trong giai đoạn nảy mầm và cây non.
Hạt có thể được gieo trực tiếp xuống đất hoặc gieo trong túi bầu. Phương pháp chung là đặt hạt sâu khoảng 2cm (nếu đặt hạt sâu quá sẽ làm giảm khả năng nảy mầm của hạt), phủ và nén đất nhè nhẹ, tưới nước mỗi ngày 1 lần.
Nếu hạt giống không quá khan hiếm và đắt đỏ, chất lượng hạt không chắc chắn, bạn nên cân nhắc gieo 2 hạt tại mỗi vị trí. Khi cây cao khoảng 30cm thì tiến hành loại bỏ cây yếu hơn, giữ lại cây khỏe tiếp tục chăm sóc, lưu ý không làm đứt rễ của cây khỏe hơn khi loại bỏ cây yếu. Trong trường hợp chi phí hạt giống cao, bạn cũng có thể chỉ gieo 1 hạt tại mỗi vị trí và thực hiện gieo dặm (bổ sung) những vị trí hạt không nảy mầm.
Thông thường, hạt chùm ngây nảy mầm trong khoảng 5-12 ngày sau khi gieo.Nếu sau 2 tuần hạt vẫn chưa nảy mầm thì cần được trồng thay thế ngay lập tức, tránh để lâu hơn sẽ làm lứa cây sau phát triển không đồng đều với lứa đã nảy mầm trước. Nếu bạn đã gieo lại lần 2 mà hạt cũng không nảy mầm hoặc lần đầu bạn gieo cả 2 hạt đều không nảy mầm thì cần kiểm tra đất trồng, có khả năng là hạt giống bị côn trùng tấn công (kiến, mối…). Khi đó, bạn cần tiêu diệt các ổ côn trùng trước khi tiếp tục gieo hạt.
Sau khi cây nảy mầm, tiếp tục giữ ẩm không để quá khô, tuyệt đối không để úng nước.Cây chùm ngây ưa nắng nên sẽ phát triển mạnh và cứng cáp hơn khi có đủ nắng (tời gian cây non có thể để nơi nắng nhẹ) và quan trọng là cần bảo vệ cây khỏi những trận mưa lớn.
Nếu ươm vào bầu, khi cây đã đủ mạnh (khoảng 4-6 tuần sau khi nảy mầm, cao khoảng 20-30cm) thì xé túi bầu cho cây vào hố đất đã chuẩn bị sẵn. Cho cây vào giữa hố, giữ cây thẳng, dùng tay vun lớp đất mịn xung quanh vào gốc cây. Vừa vun, vừa nén chặt gốc, lấp đất cao hơn cổ rễ từ 2-3cm, giữ ẩm 2 – 3 tuần cây sẽ sống khỏe, đến lúc đó không cần phải thường xuyên tưới nước. Lưu ý không để đứt/động rễ cái của cây con trong quá trình đặt bầu xuống đất.
Vườn Nhà Mình khuyên bạn nên gieo hạt trực tiếp vào đất, không nhất thiết phải qua giai đoạn ươm bầu vì cây chùm ngây có sức sống rất mạnh, chỉ cần nảy mầm được thì tỷ lệ sống của cây rất cao (trừ trường hợp bị nấm, thối cổ rễ do độ ẩm cao hoặc bị côn trùng ăn mất mầm non), có thể dễ dàng trồng dặm sau 1-2 tuần. Cách làm này giúp giảm chi phí và công lao động đáng kể so với phương pháp ươm trong bầu.
3.1.2. Kỹ thuật trồng chùm ngây từ cây giống
Một lựa chọn thuận tiện hơn cho các bạn trồng số lượng ít để sử dụng cho gia đình là chọn mua cây giống chùm ngây có sẵn trong các túi bầu và trồng theo hướng dẫn như trường hợp gieo hạt vào túi bầu được nêu ở trên.
Cây giống chùm ngây Vườn Nhà Mình
Cây giống khỏe được nhận diện qua gốc cây.To, cứng cáp, thẳng là các dấu hiệu cho thấy đó là một cây con khỏe. Có thể cây bạn chọn không có nhiều lá hoặc lá dưới gốc bị vàng (vì đất bầu khô quá cũng làm lá cây vàng và rụng rất nhanh), thấp hơn các cây khác… nhưng bạn đừng lo, chỉ cần sở hữu các đặc điểm nêu trên thì cây sẽ lớn rất nhanh sau khi được trồng xuống đất và cung cấp dinh dưỡng, độ ẩm hợp lý.
3.1.3.Kỹ thuật trồng chùm ngây từ cành giâm
Chọn những cành to, khỏe mạnh, đường kínhít nhất 4-5cm, chiều dài khoảng 1m, cắt xéo, sắc ngọt.Ngâm cành giâm vào thuốc trị nấm (Rovral…) trong khoảng 20-30 phút với liều lượng ghi trên bao bì thuốc.Nhúng cành vào thuốc kích thích ra rễ như NAA, IBA và NAA + IBA (tỷ lệ 1:1), nồng độ kích thích tố thích hợp từ 2.000 – 3.000 ppm.Sau đó, giâm cành vào bầu hoặc líp ươm đã soi lỗ, lấp đất và nén chặt phủ 1/3 cành giâm để giữ cho cành đứng vững, hạn chế động gốc.
Hỗn hợp đất ươm gồm tro trấu (25%), cát sông (75%). Bầu đất, líp giâm cành, cần được đặt trong nhà polyetylen có hệ thống phun sương không liên tục, 1 giờ phun 2 phút trong 2 tuần đầu, sau 15 ngày tưới 5-6 lần/ngày đảm bảo ẩm độ thường xuyên trên 80%, sau 45 ngày có thể cho cây ra trồng hoặc thay đất trong bầu (80% đất + 20% phân hữu cơ đã hoai) để có đủ dinh dưỡng cho cây phát triển.
Cành giâm cần được che nắng trong thời gian đầu, dần dần cho tiếp xúc với nắng nhẹ, sau đó tăng dần lượng chiếu sáng để cành giâm ra rễ mạnh hơn và đưa dần cành giâm ra ánh sáng hoàn toàn. Khi cành giâm đã phát triển mạnh có thể bón phân pha loãng để giúp cây sinh trưởng tốt hơn.
Những cây trồng từ cành sẽ không có bộ rễ khỏe ăn sâu xuống đất như trồng bằng hạt. Ngoài ra, cành cây rất dễ bị côn trùng, nấm bệnh tấn công và khả năng chống chịu với hạn hán, gió bão cũng hạn chế hơn.
Video: Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói về giá trị dinh dưỡng, dược tính và cách trồng cây chùm ngây
Video: Hướng dẫn trồng chùm ngây bằng hạt giống và cành giâm
3.2. Các cách trồng cây chùm ngây
3.2.1. Kỹ thuật trồng chùm ngây thu hoạch lá
Khoảng cách giữa các cây có thể là 15x15cm hoặc 20x10cm và phân luống phù hợp để tạo lối đi (khoảng 4m chiều ngang). Khoảng cách này cho lợi nhuận cao nhưng đòi hỏi kỹ thuật canh tác phức tạp hơn trong tất cả các khâu.
Lựa chọn khác là trồng cây theo khoảng cách 0,5-1m. Cách này thích hợp với những nông hộ nhỏ, đem lại kết quả tốt với ít công chăm sóc hơn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể trồng xem chùm ngây với các loại cây trồng khác. Khi đó, khoảng cách giữa các hàng chùm ngây phải từ 2-4m và theo hướng Đông-Tây để đảm bảo các loại cây trồng khác cũng được nhận đủ ánh sáng. Tuy nhiên, cần lưu ý không trồng xen chùm ngây với một số loại cây đặc thù như: cây cần nhiều đạm (ngô, sắn…), cây cần được can thiệp hóa chất trong quá trình trồng, cây có nguy cơ cạnh tranh dinh dưỡng với chùm ngây. Sẽ tốt hơn nếu trồng xen chùm ngây với các loại cây có khả năng làm giàu khoáng chất và ni-tơ trong đất, như cây họ đậu chẳng hạn.
3.2.2. Kỹ thuật trồng chùm ngây thu hoạch quả và hạt
Nếu muốn thu hoạch quả và hạt, cây chùm ngây cần được trồng ở khoảng cách 2,5-3m để đủ không gian cho tán cây phát triển đến khi ra hoa, kết trái.
4. Kỹ thuật trồng chùm ngây – Chăm sóc cây
4.1. Kỹ thuật trồng chùm ngây – Tạo tán cho cây
Cây chùm ngây có thể cao 3-4m trong năm đầu tiên và cao tối đa 10-12m khi trưởng thành hoàn toàn. Việc tạo tán khi cây còn non rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất thu hoạch của cây. Khi cây con cao khoảng 60cm, ngắt bỏ ngọn cây (khoảng 10-30cm từ trên đọt xuống – cắt càng thấp thì thân chính sẽ mọc càng nhiều nhánh hơn, trong điều kiện đất tốt và đầy đủ dinh dưỡng thì nên cắt thấp, ngược lại nên cắt cao để cây không quá mất sức) bằng tay hoặc bằng dao/kéo sắc. Sau khoảng 1 tuần, cây mọc thêm nhiều nhánh mới từ chỗ cắt.Khi nhánh cấp 2 cao khoảng 20cm thì tiếp tục cắt bớt 10cm để tạo nhánh cấp 3.Đến giai đoạn này, nếu cây không đủ khỏe hoặc điều kiện dinh dưỡng trong đất hạn chế thì để cây tiếp tục phát triển đến khi cứng cáp.Nếu cây có sức sống mạnh mẽ thì có thể cắt cành như cách cũ để tạo nhánh cấp 4.
Việc tạo tán như thế này sẽ giúp cây có nhiều nhánh, như thế sẽ thu hoạch được nhiều lá, quả, hạt hơn là chỉ để cây phát triển 1 thân chính và các nhánh một cách tự nhiên. Vết cắt phải sắc ngọt, không làm giập nhánh cây và quan trọng là phải cắt ngay sát nách lá. Nếu bạn cắt ở đoạn giữa 2 nách lá thì phần thân phía trên nách lá sẽ bị thối/mục, là môi trường thuận lợi phát tán nấm bệnh, ký sinh trùng và là đường dẫn để chúng xâm nhập gây bệnh cho cây.
4.2. Kỹ thuật trồng chùm ngây – Tưới nước
Cây chùm ngây có thể nảy mầm và phát triển tốt mà không cần tưới nước nếu được gieo vào đầu mùa mưa.Rễ cây sẽ phát triển thành dạng củ 20 ngày sau khi nảy mầm giúp cây con tăng khả năng chống chọi với tình trạng thiếu nước, khô hạn.Tuy nhiên, để tạo điều kiện phát triển tối ưu, cây chùm ngây cần được cung cấp nước đầy đủ trong 3 tháng đầu.
Nếu bạn trồng thu hoạch lá thì cần tưới nước thường xuyên cho cây, đặc biệt là mùa khô. Nên tưới cây lúc sáng sớm hoặc chiều tối để hạn chế tình tạng thoát hơi nước. Nếu nước quá khan hiếm, nên tạo lớp phủ bề mặt cho đất bằng rơm rạ, cỏ khô…
Nếu để cây phát triển tự nhiên thì vào mùa khô cây sẽ cho lá rất ít hoặc rụng lá để hạn chế mất nước, đến mùa mưa sẽ đâm chồi lá mới. Do vậy, thường người nông dân sẽ tập trung tỉa cành, bón phân cho cây khi chuẩn bị vào mùa mưa, như thế cây sẽ có đủ dinh dưỡng cho năng suất cao nhất.
4.3. Kỹ thuật trồng chùm ngây – Làm cỏ
Việc làm cỏ cần được thực hiện thường xuyên để hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng giữa cây và cỏ dại, đặc biệt là chất đạm.Nếu có điều kiện, bạn nên nhổ cả bụi cỏ để diệt tận gốc và làm tơi xốp đất. Cỏ dại cần được quản lý chặt chẽ, nhất là giai đoạn cây con, để đảm bảo đất và cây nhận được đủ ánh sáng. Nếu cỏ dại mọc nhiều, rậm rạp thì cây sẽ cho ít lá, các lá phía dưới sẽ bị vàng và rụng dần.
Hàng năm, nên làm cỏ cho vườn chùm ngây ít nhất 4 lần, đặc biệt là mùa mưa.Sau khi đào xới, nên sử dụng cỏ làm lớp phủ cho bề mặt đất (có thể phủ thêm bằng xác bã thực vật khác) để hạn chế thoát hơi nước và giúp làm giàu chất dinh dưỡng cho đất.Ngoài ra, lớp phủ này sẽ giúp hạn chế cỏ dại mọc trở lại.Theo quan niệm truyền thống, người dân thường chôn phủ cỏ dại, lá úa dưới 1 lớp đất.Tuy nhiên, việc chôn phủ này không phù hợp với vùng nhiệt đới vì đất ở khu vực này thường có tốc độ rửa trôi nhanh nên ít có khả năng giữ lại khoáng chất lâu dài cho cây.Ở các vùng đất dốc cũng tuyệt đối không chôn phủ thực vật trong đất để tránh xói mòn đất. Do vậy, phủ cỏ dại trên mặt đất để chúng từ từ phân hủy và bổ sung dinh dưỡng cho cây sẽ đảm bảo lâu dài và bền vững hơn.
Ngoài ra, việc diệt cỏ cần được thực hiện càng sớm càng tốt (lúc cỏ còn nhỏ), không nên để đến lúc cỏ trổ bông vì như thế sẽ tồn tại rất nhiều mầm cỏ trong đất, các mầm này sẽ tiếp tục phát triển khi gặp điều kiện thích hợp, làm cỏ dại trong vườn không thể tiêu diệt dứt điểm được.
4.4. Kỹ thuật trồng chùm ngây – Bón phân
Cây chùm ngây có thể cho năng suất cao nếu được nhận đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là đạm và các khoáng chất.Nên bón phân hữu cơ thay cho phân hóa học.Điều này vừa đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cây vừa giúp cải thiện độ màu mỡ cho đất, hạn chế thoái hóa đất.
Có 2 thời điểm bắt buộc phải bón phân cho cây, đó là khi làm đất chuẩn bị gieo trồng và thời điểm mùa mưa chuẩn bị bắt đầu (để chuẩn bị cho cây đâm chồi nảy lộc mới khi mưa xuống). Lượng phân hữu cơ tối thiểu cần cho cây là 1,5-2kg/gốc. Trường hợp trồng chùm ngây thu hoạch lá, VNM khuyên bạn nên bón phân cho cây trước mỗi đợt thu hoạch, như thế giúp cây có sức sống mạnh để phát triển chồi mới sau thu hoạch, lâu bị già cỗi thoái hóa, giảm năng suất, kéo dài tuổi thọ cho cây.
4.5. Kỹ thuật trồng chùm ngây – Kiểm soát côn trùng và bệnh hại
Cây chùm ngây có khả năng đề kháng tương đối cao với các loài sâu, côn trùng gây hại hay dịch bệnh.Tuy nhiên, nếu trồng cây trên diện tích rộng, mật độ cao thì khả năng nhiễm bệnh sẽ tăng cao, đặc biệt trong một số điều kiện thời tiết nhất định.
4.5.1. Côn trùng
Các loài gây hại chủ yếu là châu chấu, dế, nhện đỏ, mối và sâu bướm Lepidoptera (sâu ăn lá). Chúng cắn/chích vào các bộ phận của cây gây hại cho lá, chồi non, hoa, quả và hạt. Dịch côn trùng thường bùng phát vào mùa khô, khi mà hầu hết các loại cây khác đều rụng lá/chết vì thiếu nước, trong khi cây chùm ngây vẫn xanh tốt vì khả năng chịu hạn tốt hơn nên đã trở thành tâm điểm thu hút các loại côn trùng. Giải pháp tốt nhất trong trường hợp này là cắt tỉa cây bỏ hết lá để không tiếp tục thu hút côn trùng. Khi điều kiện thuận lợi trở lại (mùa mưa đến) thì cây lại đâm chồi tiếp tục phát triển.
Đối với loài mối gây hại, có thể áp dụng các giải pháp an toàn để xử lý như: giã nát hạt sầu đâu rồi chôn vào đất, ngay tại chỗ và xung quanh vị trí phát hiện thấy tổ mối; đổ tro bếp quanh gốc cây… Trong trường hợp bị nặng, phải sử dụng thuốc hóa học để diệt mối thì nên chọn loại ít gây hại nhất đối với con người và vi sinh vật, sử dụng đúng theo hướng dẫn và cách ly nghiêm ngặt. Không nên sử dung quá 2-3 lần mỗi mùa vì sẽ làm chúng bị lờn thuốc và ngày càng khó diệt.
Liên quan đến các loài sâu ăn lá, chúng có thể phát tán quanh năm với tốc độ ăn rất nhanh, có thể phá hoại cả vườn cây chỉ trong 2-3 ngày.Điều quan trọng nhất là cần quan sát kỹ và phát hiện càng sớm càng tốt, tập trung chủ yếu ở các đọt non, để có thể phun thuốc diệt trừ kịp thời. Trong canh tác hữu cơ, Bacillus thuringiensis (được bán dưới dạng thương phẩm tên Batik) là một loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học, bao gồm một số loài vi khuẩn chuyên trị ấu trùng Lepidoptera, không gây tác động đến con người, động vật hoang dã hay côn trùng thụ phấn, thời gian cách ly an toàn là 3 ngày. Ngoài ra còn có một số thương hiệu khác cũng được chấp nhận trong canh tác hữu cơ như Delfin hoặc Scutello.Các loại thuốc này cần được bảo quản cẩn thận ở nơi mát mẻ, an toàn, tránh ánh sáng và nhiệt độ cao, tránh xa tầm với của trẻ em.
4.5.2. Các bệnh do nấm
Các bệnh do nấm gây ra thường rất nguy hiểm, khó phát hiện, khó xử lý và lây lan rất nhanh, gây ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng.
Một số biểu hiện như:
– Bệnh do nấm Cercospora spp and Septoria lycopersici: Các đốm nâu xuất hiện trên lá, sau đó lan rộng ra, làm lá chuyển màu vàng và rụng (như hình 1 ở trên).
– Bệnh do nấm Alternaria: Trên lá xuất hiện các đốm nâu có góc cạnh, bao gồm nhiều vòng tròn đồng tâm
– Bệnh do nấm Alternaria solani: trên thân, cành xuất hiện các đốm đen/nâu
– Bệnh thối rễ do điều kiện đất ẩm ướt (vùng trũng, mùa mưa) rất dễ làm cây bị gẫy ngang thân/cành dẫn đến héo nặng hoặc chết hàng loạt.
Các biểu hiện ban đầu của cây bị nhiễm nấm thường rất khó phát hiện. Đến khi các biểu hiện đốm nâu xuất hiện và dễ dàng nhìn thấy thì thường là bệnh đã chuyển sang giai đoạn khó khắc phục, chỉ có thể đợi cho đến khi nấm tự hết do điều kiện môi trường không còn thuận lợi nữa. Do vậy, điều quan trọng là cần ghi chép thời điểm xuất hiện của các dấu hiệu đó để có giải pháp đề phòng hữu hiệu cho mùa sau. Các sản phẩm rẻ tiền và hữu hiệu để diệt hoặc phòng các bệnh do nấm kể trên là các loại thuốc có thành phần chính là mancozeb hoặc maneb.
Ngoài ra, một biện pháp giúp hạn chế nguy cơ nhiễm nấm bệnh là phát quang cỏ dại khu vực đất trồng. Lá cây và các chồi non, đọt non cần được kiểm tra, theo dõi thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh (không để lan rộng).Trong canh tác hữu cơ người ta còn sử dụng nước lá, hạt neem Ấn Độ (hay còn gọi là cây sầu đâu ở Việt Nam) phun lên cây để phòng trừ và tiêu diệt nấm bệnh và các loại côn trùng gây hại. Các loại thuốc tự chế này hoàn toàn ô hại đối với con người và môi trường nhưng thường không đạt được hiệu quả cao như thuốc hóa học, thuốc có nguồn gốc sinh học. Do vậy, dịch chiết từ sầu đâu thích hợp trong phòng trừ hơn là điều trị nấm cho cây.
Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng thuốc hóa học để diệt trừ sâu/bệnh cho cây thì nên chọn các loại thuốc phổ tác động hẹp, chuyên trị loài gây hại cần tiêu diệt, đảm bảo các loài sinh vật có lợi khác vẫn phát triển bình thường.
5. Kỹ thuật trồng chùm ngây – Thu hoạch và vận chuyển
5.1. Kỹ thuật trồng chùm ngây – Thu hoạch
5.1.1. Thu hoạch lá chùm ngây
Nếu bạn trồng ở mật độ dày theo kiểu luống rau như đã nêu ở trên, khi cây chùm ngây đến độ thu hoạch (khoảng 2-3 tháng, dấu hiệu nhận biết là các lá dưới cùng đủ già và bắt đầu ngả vàng), dùng liềm hoặc máy gặt lúa (nếu trồng quy mô lớn) cắt ngang thân(giống như kỹ thuật gặt lúa) ở độ cao khoảng 10-30cm so với mặt đất. Sau đó có thể tiếp tục bón phân cho cây nhảy nhánh mới và thu hoạch thêm nhiều lần nữa theo cách tương tự. Tuy nhiên, năng suất lá sẽ giảm dần. Do vậy, nếu có nguồn giống phong phú và trong điều kiện thời tiết thuận lợi thì có thể gieo trồng lứa mới.
Nếu trồng ở mật độ thưa, sau khi hoàn tất quá trình tạo tán, các nhánh chùm ngây phát triển đến độ thu hoạch (khoảng 3 tháng sau khi nảy mầm), có 2 cách thu hoạch để bạn lựa chọn:
– Dùng kéo, liềm hoặc dao sắc cắt ngang tất cả nhánh cây ở trên vết cắt cũ của nhánh chính khoảng 10-20cm, ngay phía trên nách lá (xem thêm hướng dẫn tạo tán chùm ngây – phần 4.1 – để hiểu rõ kỹ thuật cắt nhánh).Phương pháp này nên được áp dụng nếu cây được cung cấp dinh dưỡng và chăm sóc tốt vì sau khi cắt cây sẽ cần nhiều dưỡng chất để nảy chồi mới và đây cũng là giai đoạn nhạy cảm dễ bị sâu bệnh tấn công. Sau 1-2 năm, nếu cây cao quá tầm với thì nên cắt thấp tất cả các nhánh xuống khoảng 0,8-1m.
– Dùng tay bẻ các bẹ lá trưởng thành khỏi nhánh cây, chừa lại phần lá non để tiếp tục thu hoạch sau khoảng 1-2 tuần. Cách làm này nhanh hơn cách trên nhưng không được cắt tỉa nên tốc độ sinh trưởng của cây không mạnh bằng cách trên.Phương pháp này thích hợp trong điều kiện trồng thiên về hướng tự nhiên, ít dinh dưỡng và ít công chăm sóc cây hoặc trong điều kiện mùa khô, không đủ nước cung cấp cho cây.
Theo Mr DR du Toit, khi thu hoạch bằng cách hái bẹ lá, nếu chỉ hái 25% lá trên cây sẽ cho năng suất thấp hơn gần 3 lần so với hái 100% lá và vẫn chừa lại các nhánh chứ không cắt ngang hoàn toàn như phương pháp trên. Cụ thể:
Dù thu hoạch theo cách nào thì cũng cần chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ trong quá trình thu hái, nên thu hoạch vào thời điểm mát nhất trong ngày (sáng sớm hoặc chiều tối). Một lưu ý quan trọng nữa là không nên thu hoạch khi lá chùm ngây còn đọng sương/nước vì chính lượng nước này sẽ làm lá nhanh chóng bị giập, thối trong quá trình vận chuyển và bảo quản sau thu hoạch.
5.1.2. Thu hoạch quả và hạt chùm ngây
Mùa vụ thu hoạch hạt chùm ngây rơi vào khoảng tháng 2-5 hàng năm. Nếu bạn trồng cây lấy hạt thì nên hái bỏ hết tất cả hoa trên cây ở năm đầu tiên (vì cây vẫn chưa đủ trưởng thành) để dưỡng sức cho cây qua hoa kết quả năng suất cao từ năm thứ 2 trở đi.Trái chùm ngây nên được hái càng sớm càng tốt ngay khi chúng vừa đủ chín (vỏ màu nâu, khô, nhẹ), tách hạt và bảo quản nơi khô thoáng. Nếu trái đã chin mà không được thu hoạch thì sẽ bị mọt tấn công và rụng xuống đất, thường thì các hạt này không còn sử dụng được nữa. Cành chùm ngây rất giòn nên tuyệt đối không leo lên cây hái trái, mà phải sử dụng liềm, móc hoặc kéo cắt.
Ngoài ra, trái chùm ngây cũng được thu hái lúc còn xanh để xào hoặc nấu canh. Tùy mục đích sử dụng mà người ta có thể hái khi trái dài khoảng 25cm (để xào, ăn cả quả như đậu cô-ve) hoặc để già hơn (bào mỏng hoặc cắt khúc nấu canh, nấu súp…)
5.2. Kỹ thuật trồng chùm ngây – Vận chuyển lá tươi
Do đặc điểm lá mỏng và dễ bị rụng nên việc vận chuyển lá chùm ngây rất khó khăn. Nếu vườn trồng và nhà máy sản xuất gần nhau thì bạn có thể chở nguyên nhánh cây về rồi mới tách bẹ. Nếu hai điểm không gần nhau thì nên tách bẹ lá khỏi nhánh, cột lại thành bó bằng cổ tay hoặc tốt hơn thì tuốt lá và trải mỏng ra trong các khay/lưới rồi để lên xe chở về. Nên vận chuyển lá trong điều kiện thời tiết mát mẻ, thông thoáng, không để hầm hơi nóng trong bao/thùng kín và cũng không chở bằng các phương tiện quá thô sơ để gió thổi mạnh làm khô/rụng lá.Tuyệt đối không dùng vật nặng đè lên lá.
Trường hợp khoảng cách giữa vườn trồng và nhà máy quá xa thì lá chùm ngây phải được vận chuyển trong xe có điều hòa nhiệt độ hoặc giữ trong các thùng lạnh để đảm bảo chất lượng.
Chúc các bạn trồng chùm ngây đạt hiệu quả cao 😀
Mọi thắc mắc, câu hỏi các bạn có thể hỏi trực tiếp trên Fanpage Chùm ngây Vườn Nhà Mình: facebook.com/vuonnhaminh hoặc email về: info@vnmmoringa.com