Chùm ngây Vườn Nhà Mình trên Báo Long An

Nhắc đến chùm ngây, người ta thường nghĩ đến loại cây được trồng ở những nơi khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên bị thiếu nước như các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, hiện nay, chùm ngây được xem là giống cây mới đang được trồng thí điểm ở các tỉnh thuộc khu vực miền Tây. Tại Long An, gia đình chị Nguyễn Thị Xuân Chi, ấp Bình Tây, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ trồng với quy mô 1ha đất, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

vuon-nha-minh-tren-bao-kinh-te-nong-nghiep-825

Bén duyên với loài cây “lạ”

Cây chùm ngây (còn gọi là cây thần diệu, cây phép màu) là một loài cây thân gỗ có xuất xứ từ vùng Nam Á. Chị Xuân Chi biết đến loại cây này khi còn là sinh viên mới ra trường, có dịp về Bình Thuận chơi và tình cờ được tham quan mô hình cây “lạ: do người dân tộc sống tập trung ở khu vực chân núi trồng. Ngoài khả năng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể, các bộ phận của cây chùm ngây còn có dược tính cao.

Thấy được tác dụng đó, chị luôn suy nghĩ, giữa chốn khô hạn loài cây trồng này vẫn phát triển xanh tốt, sao ở quê mình khí trời mát mẻ, thừa nước tưới mà chưa thấy ai trồng? Chị tiếp tục lên mạng internet tra cứu, tìm hiểu và qua sự giới thiệu của bạn bè, chị mua vài chục gốc về trồng quanh nhà với mục đích cải thiện bữa ăn gia đình. Không ngờ, cây chùm ngây sớm thích ứng với vùng đất mới, phát triển rất nhanh. Thấy vậy, chị quyết định mua thêm 10 ngàn cây giống về trồng trên diện tích 1ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả của gia đình.

Theo chị Chi, vì thuộc họ cổ thụ nên tuổi thọ cây chùm ngây khá dài, đặc biệt là có thể trồng xen kẽ dưới tán rừng hoặc xen canh với nhiều loại rau khác. Bên cạnh đó cây chùm ngây rất dễ trồng, kỹ thuật đơn giản, ít tốn phân bón, công chăm sóc và gần như “miễn dịch” với các loài sâu bọ. Sau 4 tháng trồng, cây có thể cho thu hoạch lá làm rau, đến 18 tháng có thể lấy củ, rễ làm thuốc. Nếu trồng làm rau, mỗi công đất có thể trồng từ 300-450 gốc, trồng làm thuốc thì khoảng cách 3m/gốc,…

Bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế

Khi mang giống cây chùm ngây về trồng, người dân trong ấp ai cũng khuyên chị đừng nên trồng nhiều, bởi chưa biết giống cây “lạ” này có phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương hay không. Vả lại, trồng xong chả biết tiêu thụ nơi nào, vì loài cây “dinh dưỡng” này quá xa lạ với người dân địa phương. Sau 2 năm bỏ công chăm sóc, cuối cùng vườn chùm ngây của chị bắt đầu được người dân biết đến thông qua những lần trưng bày tại hội trợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp, cây cảnh trong và ngoài tỉnh.

Chị Xuân Chi cho biết, trước đây, lá chùm ngây chủ yếu phục vụ người tiêu dùng ở TP HCM. Trung bình mỗi ngày, có khoảng 30-50kg lá được thu hoạch giao cho khách hàng, với giá bán 50 ngàn đồng/kg. Điều đáng mừng hiện này là khách hàng trong tỉnh cũng bắt đầu biết đến và thường xuyên dùng sản phẩm, nhất là lúc nắng nóng có một nồi canh chùm ngây để giải nhiệt thì thật tuyệt.

Không chỉ bán lá tươi, hiện nay chị còn khai thác lá chùm ngây sấy khô để làm trà bán, với giá 45 ngàn đồng/gói 200 gam; rễ tươi 150 ngàn đồng/kg; thân khô 50 ngàn/kg… Đặc biệt, quả non của chùm ngây cũng được mọi người ưa chuộng, hương vị chẳng khác măng cây; hạt chứa nhiều dầu (30-40% trọng lượng hạt) dùng để phục vụ cho công nghệ sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, ủ tóc hay ăn khai vị như đồng phộng với giá 1 triệu đồng/kg.

“Với nhiều dinh dưỡng và tác dụng, cây chùm ngây đang được nhiều người ưa chuộng. Do đó, hiện nay, ngoài việc cung cấp cây giống, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu đầu ra, gia đình cũng dự định sẽ mở rộng quy mô sản xuất, trồng thêm 2ha nữa để có thể cung cấp, giao hàng trên toàn quốc”, chị Xuân Chi cho biết thêm.

PHONG NHÃ – Báo Kinh Tế Nông Nghiệp 5/2015

Bình luận