Giới thiệu về cây đinh lăng

Đinh lăng còn được gọi là cây gỏi cá, hay cây nam dương sâm, có tên khoa học là Polyscias fruticosa (L…) Harms, cùng họ với cây nhân sâm (sâm Triều Tiên) nổi tiếng (họ Araliaceae).

Đặc điểm hình thái:

cay-dinh-lang

Đinh lăng là một loại cây nhỏ, sống nhiều năm, cao từ 0,8-1,5m, thân nhẵn không có gai và phân nhánh nhiều. Lá kép 3 lần xẻ lông chim, dài 20-40cm. Phiến lá kép có thùy sâu và mép có răng cưa không đều. Vò ra lá có mùi thơm. Cụm hoa là một khối hình chùy ngắn, gồm nhiều tán đơn hợp lại. Mỗi tán mang nhiều hoa nhỏ có cuống ngắn. Hoa 5 cánh trắng hình trứng, dài 2mm có 5 nhị với chỉ nhị ngắn và mảnh, bầu dưới có 2 ô có rìa trắng nhạt. Quả dẹt màu trắng bạc dài 3-4mm, dày 1mm, mang vòi tồn tại.

Phân loại

Phân loại theo hình dáng lá
Đinh lăng lá nhỏ thường gọi là cây gỏi cá. Trong lá nhỏ có hai loại chính: ĐL nếp và ĐL tẻ
+ĐL nếp: là loại lá nhỏ, xoăn, thân nhẵn, củ to, rễ nhiều và mềm, vỏ bì dày cho năng suất cao và chất lượng tốt, chỉ nên trồng loại này để làm dược liệu

+ĐL tẻ: là loại lá sẻ thùy to, vỏ thân xù xì, màu xanh nhạt, củ nhỏ, rễ ít và cứng, vỏ bì mỏng, năng suất thấp. Loại này giá trị kinh tế thấp không nên trồng.
ĐL lá tròn: Polyscias balfouriana Baill, trồng làm cây kiểng.
ĐL lá to: còn gọi là Đinh lăng ráng Polyscias filicifolia (Merr) Baill.
ĐL trổ: còn gọi là Đinh lăng viền bạc: Polycias guilfoylei (Cogn Marche) Baill.
ĐL răng: Lá 2 lần kép, thân màu xám trắng. Polyscias serrata Balf.
ĐL đĩa: Polyscias scutellarius (Burm f) Merr.

Phân bố

Cây được trồng phổ biến làm cảnh ở khắp cả nuớc, có mọc cả ở Lào và miền nam Trung Quốc.
Trước đây không có tài liệu hướng dẫn dùng làm thuốc, gần đây do có sự nghiên cứu tác dụng bổ dưỡng nên mới bắt đầu được dùng. Thường đào rễ, rửa sạch đất cát, phơi hay sấy khô để dùng.

Là cây lâu năm, có thể sống đến vài chục năm, ưa ẩm, ưa sáng, chịu hạn tương đối, chịu bóng nhưng cây sẽ phát triển yếu, không chịu được ngập úng, cây sẽ bị héo úa và chết đi. Phân bố rộng khắp trên khắp cả nước, ở tất cả các vùng sinh thái, có thể phát triển trên nhiều loại đất nhưng tốt nhất là đất pha cát. Cây phát triển mạnh khi nhiệt độ dưới 28 độ C. 2 mùa Thu và mùa Xuân cây phát triển nhanh nhất.

Thành phần hoá học

Trong thân củ đã tìm thấy có các alcaloit, glucozit, saponin, flavonoit, tanin, vitamin B1 các axit amin trong đó có lyzin, xystei, và methionin … là những axit amin không thể thay thế được (Ngô ứng Long – Viện quân y, 1985).

Tác dụng dược lý

Năm 1961, các khoa dược lý, dược liệu và giải phẫu bệnh lý Viện y học quân sự Việt Nam nghiên cứu tác dụng làm tăng sức dẻo dai của cơ thể và một số tác dụng khác đã đi đến kết luận sau đây:

1. Nuớc sắc rễ (củ) có tác dụng làm tăng sức dẻo dai của cơ thể trên thí nghiệm cấp tính tương tự như nhân sâm.
Tam thất và các cây khác cùng họ có tác dụng làm tăng sức dẻo dai của cơ thể (thí nghiệm trên chuột mình tròn lội nước theo phương pháp (thí nghiệm cấp tính của I. I. Brekman). Nhưng trên thí nghiệm trường diễn, tác dụng chóng hết và thường hay tích luỹ.

2. Với liều 0,1 ml cao lỏng Đinh lăng cho 20g thể trọng sống làm giảm hoạt động của chuột nhắt trắng.

3. Hoạt chất có trong thân rễ tác dụng trực tiếp trên cơ tim ếch, cô lập (theo phương pháp Straub) với liều nhất định làm giảm trương lực cơ tim, làm tim co bóp yếu và thưa, tiến tới tim ngừng đập.

4. Dung dịch nước 0,2 đến 1% rễ Đinh lăng gây co mạch tai thỏ cô lập theo phương pháp Kravkov.

5. Với liều 0,5 ml dung dịch cao Đinh lăng 100-200% trên 1 kg thể trọng tiêm tĩnh mạch vành tai đều tăng cường hô hấp về biên độ và tần số: Huyết áp nhất thời hạ xuống.

6. Trên tử cung tại chỗ, với liều 1 ml dung dịch cao Đinh lăng 100% cho 1 kg thể trọng tiêm tĩnh mạch vành tai làm tăng co bóp tử cung nhẹ.

7. Đinh lăng có tác dụng tăng tiết niệu gấp trên 5 lần so với bình thường với liều uống 2 ml dung dịch Đinh lăng 100% cho 100g thể trọng (thí nghiệm trên chuột bạch Trung Quốc).

8. Liều độc: ít độc, so với Nhân sâm còn ít độc hơn. Giải phẫu bệnh lý những chuột chết vì liều độc thì thấy gây tổn thương nặng tổ chức cơ sở các tạng nhất là ở gan, thận, tim, não, cuối cùng chết. Liều độc tiêm phúc mạc DL50 của Đinh lăng là 32,9g/kg trong khi đó DL50 của nhân sâm là 16,5g/kg, của Ngũ gia bì Liên Xô cũ (Eleutherococcus) là 14,5g/ kg, chứng tỏ Đinh lăng ít độc hơn 2 vị thuốc nhân sâm và ngũ gia bì Liên Xô cũ. Cho uống với liều 50g/kg thể trọng chuột vẫn sống bình thường.
Độc tính trường diễn thấy xung huyết ở gan, tim, phổi, dạ dày, ruột, biến loạn dinh dưỡng tim, gan, thận. Trước khi chết có hiện tượng ỉa lỏng, xù lông, mệt mỏi, kém ăn, sụt cân.

9. Làm tăng sức đề kháng của chuột đối với tác hại của bức xạ siêu cao tần và thấy có tác dụng kéo dài thời gian sống của chuột hơn so với một số thuốc như Ngũ gia bì Eleutherococcus của Liên Xô cũ, Đương qui, Ba kích. Tác dụng này có thế là do tính chất bổ chung nhưng còn có thể do cơ chế điều nhiệt của Đinh lăng.

10. Ngô ứng Long và Xavaev (Liên Xô cũ) đã cùng nhận thấy cây thuốc có tác dụng tốt đối các nhà du hành vũ trụ khi luyện tập trong tư thế tĩnh, đầu dốc ngược.
Thực nghiệm trên người, viên bột rễ làm tăng khả năng chịu đựng của bộ đội, vận động viên thể dục, thể thao trong các nghiệm pháp gắng sức cũng như luyện tập.

Bình luận