Kỹ thuật trồng cây chùm ngây

Cây chùm ngây rất dễ trồng, có rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cả gia đình, đặc biệt là phụ nữ sau khi sinh, trẻ nhỏ, người cần hồi phục sức khỏe. Các bạn hãy làm theo hướng dẫn sau của Vườn Nhà Mình để trồng cây chùm ngây đúng cách, giúp cây lớn nhanh và khỏe mạnh nhé.

Chùm ngây có thể được trồng bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành (phương pháp gieo hạt giúp cây phát triển rễ tốt hơn và sống lâu hơn).

1. Gieo hạt/giâm cành

1.1. Gieo hạt

Thời vụ thích hợp gieo ươm từ tháng 5 – 8. Cây bắt đầu cho quả sau 6 – 8 tháng trồng. Quả được thu hoạch giữa tháng ba và tháng tư, sau đó thu lại một đợt nữa trong tháng 9 và tháng 10.

a. Chuẩn bị: Túi bầu PE 11 x 20cm hoặc chậu cây cảnh đựng hỗn hợp ruột bầu. Thành phần ruột bầu gồm 80% đất + 20% phân hữu cơ đã hoai. Nếu trồng trực tiếp xuống đất thì đào một hố rộng 30x30x30cm, bỏ phân hoai và phủ đất xốp lên trên, chuẩn bị sẵn sàng trước 7-10 ngày gieo hạt.

b. Xử lý hạt: Chọn các hạt chắc và cứng, ngâm với nước ấm 600C (2 sôi, 3 lạnh) trong 24 giờ, sau đó đem gieo.

c. Gieo:

+ Gieo trực tiếp: Đặt hạt sâu khoảng 2cm, phủ và nén đất nhè nhẹ, tưới nước cầm chừng không để khô quá hoặc ướt quá. Sau 3 – 7 ngày hạt nẩy mầm, và cây sẽ ló ra khỏi mặt đất sau chừng 1 tuần, tiếp tục giữ ẩm không để quá khô, tuyệt đối không để úng nước. Cây chùm ngây ưa nắng nên sẽ phát triển mạnh và cứng cáp hơn khi có đủ nắng, không cần thiết phải để cây con trong mát.

 + Nếu ươm vào bầu hoặc chậu cây cảnh thì cũng làm tương tự như trồng trực tiếp xuống đất. Khi cây đã đủ mạnh (khoảng 1-2 tháng sau khi nảy mầm, cao khoảng 20cm) thì xé túi bầu cho cây vào hố đất đã chuẩn bị sẵn (theo cách như trên). Cho cây vào giữa hố, giữ cây thẳng, dùng tay vun lớp đất mịn xung quanh vào gốc cây. Vừa vun, vừa nén chặt gốc, lấp đất cao hơn cổ rễ từ 2-3cm, giữ ẩm 2 – 3 tuần cây sẽ sống khỏe, đến lúc đó không cần phải thường xuyên tưới nước. Lưu ý không để đứt/động rễ cái của cây con trong quá trình đặt bầu xuống đất.

Để đảm bảo tỷ lệ nảy mầm cao hơn, sau khi ngâm hạt, vớt ra trộn với cát, ủ trong bao vải, hoặc rơm rạ, để trong chỗ tối hoặc đảm bảo ánh sáng không chiếu trực tiếp vào hạt, mỗi ngày tưới một lần, 3 – 6 ngày sau hạt nẩy mầm, đem hạt ươm vào túi bầu hoặc trồng như hướng dẫn ở trên.

Tỷ lệ và thời gian nảy mầm của hạt chùm ngây tùy thuộc vào độ ẩm và chất lượng hạt (hạt để càng lâu tỷ lệ nảy mầm càng giảm). Vườn Nhà Mình khuyên bạn nên gieo hạt trực tiếp vào đất, không nhất thiết phải qua giai đoạn ươm bầu vì cây chùm ngây có sức sống rất mạnh, chỉ cần nảy mầm được thì tỷ lệ sống của cây rất cao (trừ trường hợp bị côn trùng ăn mất mầm non), tỷ lệ chết không đáng kể, có thể dễ dàng trồng dặm sau 1-2 tuần. Cách làm này giúp giảm chi phí và công lao động đáng kể so với phương pháp ươm trong bầu.

Khoảng cách trồng thích hợp là 1,5x2m (trồng lấy lá) hoặc 3x3m (trồng lấy hạt).

 1.2. Giâm cành

– Chọn cành giâm: Chọn những cành khỏe khỏe mạnh, đường kính từ 2 – 3 cm, cắt từng đoạn dài từ 10 – 15 cm (nên cắt xéo, sắc ngọt, tránh bầm dập).

– Ngâm cành giâm vào thuốc trị nấm (Rovral…) trong khoảng 20-30 phút với liều lượng ghi trên bao bì thuốc.

– Nhúng cành vào thuốc kích thích ra rễ như NAA, IBA và NAA + IBA (tỷ lệ 1:1), nồng độ kích thích tố thích hợp từ 2.000 – 3.000 ppm, và giâm ngay vào bầu hoặc líp ươm đã soi lỗ. Hỗn hợp đất ươm gồm tro trấu (25%), cát sông (75%). Bầu đất, líp giâm cành, cần được đặt trong nhà polyetylen có hệ thống phun sương không liên tục, 1 giờ phun 2 phút trong 2 tuần đầu, sau 15 ngày tưới 5-6 lần/ngày đảm bảo ẩm độ thường xuyên trên 80%, sau 45 ngày có thể cho cây ra trồng hoặc thay đất trong bầu (80% đất + 20% phân hữu cơ đã hoai) để có đủ dinh dưỡng để cây phát triển.

Cành giâm cần được che nắng trong thời gian đầu, dần dần cho tiếp xúc với nắng nhẹ, sau đó tăng dần lượng chiếu sáng để cành giâm ra rễ mạnh hơn và đưa dần cành giâm ra ánh sáng hoàn toàn. Khi cành giâm đã phát triển mạnh có thể bón phân pha loãng để giúp cây sinh trưởng tốt hơn.

Cây chùm ngây con sau khi nảy mầm 1 tháng

2. Chăm sóc cây

Cây chùm ngây chịu hạn rất tốt và có khả năng thích nghi ở những vùng đất cằn cỗi, kém dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu muốn cây phát triển tốt cần cung cấp đủ độ ẩm và dinh dưỡng cho cây. Vào mùa nắng, cần tưới cây 01 lần/ngày. Vào mùa mưa, cây sẽ phát triển nhờ nước mưa, cần chú ý thoát nước tốt vì rễ cây dễ bị thối nếu ngập úng.

Việc chăm sóc cây tùy thuộc vào mục đích sử dụng của người trồng. Cụ thể:

2.1. Trồng thu hoạch trái/hạt

Chăm sóc định kỳ 2 lần/năm, gồm làm cỏ, bón phân (1,5kg- 2kg phân hữu cơ/gốc), vun gốc cây rộng 1m. Bón liên tục trong 3 năm đầu. Sau đó mỗi năm chăm sóc một lần là được.

Hạt/trái chùm ngây được thu hoạch theo mùa. Quả non được hái khi vỏ quả vẫn còn xanh, dài khoảng 20-35cm (tùy mục đích sử dụng). Hạt được thu hoạch từ những quả già có vỏ chuyển sang màu nâu mốc, có các nốt sần nổi rõ trên thân quả.

2.2. Trồng thu hoạch lá

Khi thu hoạch lá thường xuyên, nhu cầu dinh dưỡng của cây cao hơn nhiều so với quá trình phát triển tự nhiên. Sau mỗi lần cắt lá, nên bón phân để cây có đủ sức tái tạo lá mới. Sau 3-5 năm nên xem xét thay thế lứa cây mới (mặc dù cây vẫn còn sống nhưng không khỏe như giai đoạn đầu, ít cho lá và dễ bị sâu bệnh tấn công) để nâng cao năng suất.

Theo các tài liệu hướng dẫn, cây chùm ngây sau khi trồng 2-3 tháng, đạt chiều cao khoảng 60cm, tiến hành cắt ngọn (cách mặt đất khoảng 40cm). Sau khi trồng 6 tháng, cây cao khoảng 2m, đây là thời kỳ thu hoạch chính, trung bình cây có thể cho từ 500 – 900gr lá tươi/cây/tháng. Sau mỗi lần cắt, cây mọc tược non, khi nhánh đủ lớn thì tiếp tục cắt cao hơn vết cắt trước khoảng 10cm.

Theo kinh nghiệm của Vườn Nhà Mình, cần quan tâm tạo tán cho cây trong giai đoạn đầu phát triển vì lúc này cây con có sức sống rất mạnh mẽ, có nhiều dinh dưỡng hỗ trợ cho việc tái tạo và nuôi dưỡng nhánh mới, đảm bảo các nhánh lớn nhanh và to khỏe. Có như vậy, nhánh mới có thể cho nhiều lá với chất lượng tốt.

Quá trình tạo tán được thực hiện như sau: khi cây con cao khoảng 30cm, cắt ngang ngọn cách mặt đất 20cm, cây sẽ mọc nhiều nhánh cấp 2 từ vết cắt và các nách lá, tỉa bớt chừa lại 2-3 nhánh tùy vào khả năng phát triển của cây (ưu tiên các nhánh gần ngọn). Nếu cây khỏe, khi nhánh non cao khoảng 20-30cm, tiếp tục cắt chừa lại 10cm để cây tạo nhánh cấp 3. Nếu cây không đủ khỏe chỉ nên để các nhánh cấp 2 tiếp tục phát triển, không nên cắt tiếp vì cây sẽ không đủ sức nuôi quá nhiều nhánh con, khi đó các nhánh sẽ ốm yếu, còi cọc, không có năng suất.

Khi đã tạo xong tán cây với số nhánh hợp lý thì tiếp tục chăm sóc cho cây phát triển. Khi nhánh cây to khoảng cổ tay là có thể bắt đầu cắt ngang thu hoạch lá. Thời gian để cây to đến độ này tùy thuộc vào các yếu tố sinh trưởng của cây, có thể từ 3-6 tháng.

Lưu ý: trong giai đoạn nuôi dưỡng nhánh cây thì không nên hái lá (vì như vậy cây sẽ tập trung dinh dưỡng ra lá mới và chỉ phát triển chiều cao, ít phát triển chiều ngang. Việc này dẫn đến tình trạng cây cao nhanh nhưng ốm yếu, sau này cắt ngang sẽ tạo nhánh lá nhỏ, năng suất yếu, cây nhanh suy kiệt).

Sau khi cắt cành, khoảng 1 tuần sau cây sẽ mọc nhánh mới, sau đó 30-45 ngày là có thễ tiếp tục cắt. Ở những vùng (hoặc vào mùa) có độ ẩm không khí cao, nên bôi thuốc chống nấm vào vết cắt để hạn chế thấp nhất các bệnh do nấm, vi khuẩn xâm nhập gây bệnh cho cây qua vết cắt.

Một số sâu bệnh hại chính

Sâu bệnh hại thường gặp là Ruồi đục quả Gitona spp, các loài bọ cánh cứng hại lá cây con và cây chồi giâm hom như: Mylloceus discolor, M. viridanus, Ptochus ovulum, thực vật ký sinh Dendrophthoe flacata và các nấm hại như: Cercospora moringicola, Sphaceloma morindae, Puccinia moringae, Oidium sp., Polyporus gilvus…, nhện đỏ, sâu ăn lá. Khuyến cáo: nên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học để xử lý các trường hợp sâu bệnh để bảo đảm an toàn cho các sản phẩm thu hoạch từ cây chùm ngây.

Hiện nay, có rất ít tài liệu hướng dẫn cũng như các nghiên cứu chuyên sâu về các bệnh thường gặp trên cây chùm ngây. Đa số người trồng cây chủ yếu xử lý dựa theo kinh nghiệm. Vườn Nhà Mình sẽ dành thời gian tổng hợp lại những quan sát và kinh nghiệm thực tiễn trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý một số bệnh thường gặp trên cây chùm ngây để bạn đọc tham khảo. Trước khi hoàn thành bản tổng hợp này, nếu quý khách hoặc bạn đọc gặp khó khăn gì trong quá trình trồng cây, đừng ngại liên lạc với Vườn Nhà Mình để cùng trao đổi, chia sẻ nha.

 Xem thêm: Cách trồng cây chùm ngây tại nhà – đơn giản, hiệu quả

Bình luận